Bất chấp đại dịch, những chỉ số hoạt động thu thập được trong những tháng đầu năm 2021 đã khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều xu hướng trong phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá trong năm 2022.
Dù chịu ảnh hưởng lớn từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nguồn cung BĐS công nghiệp tại Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận trên đà tăng trưởng. Theo số liệu từ Savills Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2021, thị trường chào đón một số khu công nghiệp (KCN) mới được thành lập và nhiều dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu đi vào hoạt động. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 25 KCN mới được thành lập, tăng 19 KCN so với cùng kỳ năm 2020. So với năm ngoái, tỷ lệ lấp đầy ở các KCN tại một số tỉnh, thành có xu hướng tăng nhưng mức tăng không cao và giữ ổn định về nhu cầu cho thuê.
Về tiềm năng phát triển của thị trường trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng, nhu cầu đối với đất công nghiệp, ngoài kho xưởng xây sẵn, sẽ tiếp tục là nhu cầu chính của thị trường. Ông John Campbell – Quản lý Bộ phận BĐS Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định: “Trong năm tới, kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục diễn ra, vì Việt Nam hiện đang nằm trong “tầm ngắm” của các dự án có quy mô siêu lớn. Mặc dù, việc phong tỏa và hạn chế đi lại đã làm chậm sự di dời hoat động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc như dự kiến năm 2021, các nhà phát triển vẫn tin rằng hoạt động cho thuê sẽ hiệu quả hơn vào năm 2022, khách thuê và nhà đầu tư cũng sẽ có lựa chọn về nguồn cung mới khi các hạn chế được dỡ bỏ.”
Theo ông John Campbell, những năm gần đây, các ngành công nghiệp giá trị thấp đang bắt đầu hình thành ở những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, do Việt Nam không còn cung cấp các ưu đãi như cũ. Những ngành này, trong đó đặc biệt là dệt may và nội thất, phải “vật lộn” để tìm nguồn lao động và đất đai có giá cả phải chăng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Cơ sở của sự lạc quan này là Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA và việc di dời ra khỏi Trung Quốc.
Ông John Campbell đánh giá, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện, chẳng hạn như ngành công nghiệp 4.0 và sản xuất chế tạo thông minh hơn; hiện đại hóa chuỗi cung ứng; hình thức bán – thuê lại tài sản; các mô hình KCN mới và quy hoạch tổng thể hiện đại. Đặc biệt, kế hoạch “mở cửa” trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Đồng thời, việc “mở cửa” những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho một năm 2022 thành công, hứa hẹn tình hình phát triển công nghiệp sẽ khả quan hơn.
Cùng với kế hoạch “mở cửa” trở lại, Chính phủ cũng đã luôn đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng sớm phục hồi và thích ứng tuyệt đối của các doanh nghiệp địa phương. Nhiều chuyên gia kinh tế khi nhìn nhận về vấn đề này cũng cho rằng, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian vừa qua đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nước ngoài nói riêng đã tạo nên những “cú hích” tốt trong việc thu hút các nhà đầu tư vào các KCN trên cả nước.