UBND tỉnh Bình Dương cho biết, bắt đầu từ ngày 10/4/2023, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương chính thức có hiệu lực thi hành.

Được biết, trước đó vào chiều ngày 13/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh, trong đó có quyết định thành lập TP. Tân Uyên trực thuộc tỉnh Bình Dương.

tp tan uyen binh duong

Tân Uyên là thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương, được thành lập theo Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. TP. Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên. Trụ sở của TP. Tân Uyên sử dụng trụ sở làm việc của thị xã Tân Uyên trước đây.

Về phạm vi ranh giới, TP. Tân Uyên giáp các thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Dự kiến, lễ công bố Nghị quyết về việc thành lập TP. Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương sẽ được tổ chức vào ngày 12/4 tới.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương có 4 thành phố gồm TP .Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Tân Uyên; 1 thị xã là Bến Cát và 4 huyện gồm Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn TP. Tân Uyên đang triển khai đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng như đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Uyên Hưng, Vành đai 4 và một loạt tuyến Tỉnh lộ như ĐT 741, ĐT 742, ĐT 745, ĐT 746, ĐT 747… Tân Uyên cũng đã khởi công tuyến đường Tân Uyên – Phú Giáo – Đồng Phú vào năm 2021 và mới đây là khởi công cầu Bạch Đằng 2 vượt sông Đồng Nai tạo thêm hướng kết nối với TP. Biên Hòa, sân bay Long Thành, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải.

Bên cạnh đó, Tân Uyên cũng đang triển khai dự án khu công nghiệp lớn nhất cả nước là khu công nghiệp VSIP III với quy mô hơn 1.000 ha, dự kiến tổng vốn đầu tư hạ tầng là 6.407 tỷ đồng.

Lam Giang (TH)