Năm 1999, ông Thắng (Nam Trực, Nam Định) cho ông Lợi (em trai ruột, mới kinh doanh phá sản) mượn đất để ở, thỏa thuận khi nào ông Lợi ổn định lại cuộc sống sẽ trao trả hoặc mua lại thửa đất này. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông Lơi vẫn không chịu chuyển đi và cũng không muốn mua đất dù ông Thắng đã nhiều lần ý kiến. Vậy ông Thắng phải làm gì để đòi lại nhà và đảm bảo quyền lợi cho mình?

Tư vấn về trường hợp của ông Thắng, luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đây là một tình huống xảy ra khá phổ biến trong thực tế đời sống, khi 2 bên cho nhau mượn nhà, đất để ở hoặc làm đường đi nhưng chỉ nói miệng, không có giấy tờ làm bằng chứng. Đến khi mối quan hệ bất hòa, chủ đất đổi ý không muốn cho mượn hoặc người mượn đất không muốn trả, giữa hai bên rất dễ xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn cả về tình và tiền.

Riêng với trường hợp của ông Thắng, để đòi được mảnh đất đó gia đình ông Thắng phải chứng minh được nguồn gốc sử dụng đất của gia đình là hợp pháp, ví dụ như cung cấp đầy đủ các thông tin cho thấy nguồn gốc đất để xây nhà như thế nào? Từ năm 1999 đến nay gia đình ông Thắng có đóng thuế sử dụng đất hay không? Trong hồ sơ địa chính của chính quyền địa phương có tên của gia đình ông Thắng không?

Ngoài ra, gia đình ông Thắng chỉ có thể đòi lại được phần đất đó nếu có một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Ví dụ:

– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993

– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;…

Trường hợp ông Thắng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 mà gia đình ông Lợi lại xuất trình được một trong các loại giấy tờ này thì việc đòi lại đất là không thực hiện được.

luật sư Nguyễn Văn Tuấn tư vấn về đòi lại nhà đất cho mượn không trả
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn tư vấn về trường hợp đòi lại đất đã cho mượn nhưng không trả.

Nếu việc ông Thắng cho em trai mượn đất mà có lập thành văn bản, giấy tờ cho mượn có đầy đủ chữ ký của hai bên; có người làm chứng hoặc có đoạn ghi âm, ghi hình mà trong đó người kia công nhận việc mượn đất… thì đều có thể dùng làm chứng cứ để ông Thắng đòi lại tài sản đã cho mượn.

Với những chứng cứ thuyết phục này, ông Thắng có thể tự bảo vệ mình bằng các biện pháp không vi phạm pháp luật hoặc nhờ Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 164, Bộ luật Dân sự năm 2015. “Lưu ý, việc tự mình bảo vệ vẫn có thể làm cho tranh chấp kéo dài, thậm chí nhiều trường hợp còn dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác, do đó việc nhờ Tòa án giải quyết là cần thiết” – Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Liên quan đến thủ tục đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất, ông Thắng cần thực hiện theo quy trình 2 bước cơ bản như sau:

– Gửi đơn đề nghị hòa giải tới UBND cấp xã nơi có thửa đất đó để được hòa giải theo quy định tại Điều 135 Luật đất đai 2013.

– Nếu UBND hòa giải không thành thì gia đình bạn có thể gửi đơn đến Tòa án (nếu thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai) hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Linh Phương

>> Bố mẹ thiên vị khi tặng cho đất đai, con cái có quyền khởi kiện?

>> 12 cặp thuật ngữ về đất đai rất dễ nhầm lẫn

Theo Thanhnienviet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *