Cẩm nang nhà đất – Tặng cho đất bằng miệng có được công nhận không? theo Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân, Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi tại thư viện pháp luật Xin hỏi việc cha mẹ tặng cho đất bằng miệng cho con thì có được nhà nước và pháp luật công nhận và cho sang tên không? – Ngọc Thanh
Quyền tặng cho đất (hay tặng cho quyền sử dụng đất)
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Đối với nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:
– Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai 2013;
– Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.
Do đó, trường hợp cha mẹ có quyền sử dụng đất hợp pháp thì có quyền tặng cho quyền sử dụng đất đó cho con, việc tặng cho được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Tặng cho đất bằng miệng có được công nhận không? (Hình từ internet)
Điều kiện tặng cho đất
Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Theo đó, cá nhân có quyền sử dụng đất hợp pháp; đất không có tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất thì được quyền tặng cho người khác, cha mẹ có quyền tặng cho nhà đất cho con.
Tặng cho đất bằng miệng được công nhận không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
– Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.
– Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
– Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
– Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Từ những quy định trên, có thể thấy rằng để đảm bảo việc tặng cho quyền sử dụng đất là có giá trị về mặt pháp luật thì việc tặng cho này phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định.
Do đó, việc tặng cho nhà đất chỉ bằng miệng là không đáp ứng điều kiện về mặt hình thức của hợp đồng vì vậy không có giá trị về mặt pháp lý.